Trẻ em thường có thói quen ngủ quên trên xe, đặc biệt là khi đến trường. Trang bị những kỹ năng thoát hiểm là điều cần thiết cho trẻ. Dưới đây là những kĩ năng giúp trẻ thoát hiểm trên ô tô bố mẹ cần biết để có thể hướng dẫn cho trẻ.
Giữ bình tĩnh
Với trẻ em, khi bị mắc kẹt một mình trong ô tô giữa trời nóng như thiêu đốt, chuyện hoảng loạn là rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hãy trao đổi thẳng thắng với con nhỏ rằng đã là tình huống nguy cấp thì có thể sẽ xảy ra với bất kì ai. Và nếu gặp phải nó, đừng bỏ cuộc mà hãy cố gắng bình tĩnh để tìm cách thoát thân hoặc chờ người đến cứu.
Phản ứng nhanh chóng là cần thiết, không được lề mề nhưng cũng không cuống quýt lên khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Nếu đang mặc áo khoác, đeo khăn quàng... hãy nhẹ nhàng cởi bỏ chúng để giảm thân nhiệt. Quan sát xung quanh để biết mình đang ở đâu, gần đó có những ai có thể ứng cứu.
Bấm còi trên vô lăng
Dù xe có tắt máy, rút khoá điện thì còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ ắc-quy, và tiếng còi sẽ thu hút sự chú ý của những người có mặt gần đó. Ắc quy trong xe có thể đủ để còi trong hơn 10 tiếng. Con nên kiên nhẫn bấm còi dài hơi cho đến khi có người nghe thấy.
Bật đèn Hazard
Tương tự còi, đèn Hazard được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Nút bật đèn có hình tam giác rất dễ thấy gần vô lăng buồng lái. Con hãy bấm nút liên tục kết hợp cùng còi xe để gây sự chú ý.
Mở cửa ô tô
- Thử mở cửa sổ. Ngoài ra, trong tình huống đặc biệt nguy cấp, hãy đánh giá xem khe cửa có đủ lớn để trèo ra ngoài hay không. Nếu có, chú ý thoát ra nhanh và không tỳ thân người lên tấm kính để tránh bị thương.
Đập mạnh cửa
Thu hút sự chú ý của mọi người bằng những cách sau:
- Thu hút sự chú ý: Lấy giấy ghi "Cứu con với" dán lên kính xe, đập cửa từ bên trong hoặc dùng vật gì đó vẫy liên tục để thu hút sự chú ý của người qua đường.
- Gọi điện thoại cầu cứu: Hãy đảm bảo trẻ có lưu hoặc nhớ số đường dây nóng, số điện thoại của giáo viên, bố mẹ, người thân. Mặt khác, khi nhận được điện thoại của trẻ, bạn hãy giữ giọng bình tĩnh hỏi trẻ đang ở đâu và hướng dẫn cách thoát thân; đồng thời liên hệ ngay những người gần hiện trường để ứng cứu kịp thời.
Phá kính ô tô
Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, có thể nghĩ đến chuyện phá cửa kính thoát thân sau khi mọi biện pháp khác không có tác dụng. Tuy nhiên cần hết sức cẩn thận để giảm thiểu chấn thương.
Không được phá kính chắn gió phía trước mà chọn các cửa hai bên. Nếu trên xe có chuẩn bị dụng cụ phá kính thì hãy sử dụng ngay. Loại thường gặp nhất là búa phá kính có dạng đầu nhỏ. Khi dùng lực đập vào cửa kính, ứng suất lớn tập trung phá vỡ liên kết sẽ làm cửa kính vỡ vụn.
Nếu không có búa phá kính, hãy thay thế bằng bất kì vật nặng/ vật kim loại mang theo bên người như hộp bút, cặp sách, ô... Biện pháp cuối cùng là dùng chân đạp mạnh vào kính để phá vỡ nó.
Sau khi kính đã vỡ, trẻ cần lưu ý bước xuống xe thật cẩn thận và không giẫm lên các mảnh thủy tinh. Tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh và báo cáo ngay nếu chẳng may bị thương.
Những lời khuyên ở trên nhìn có vẻ phức tạp nhưng nếu phụ huynh kiên nhẫn và giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của chúng, chắc chắn rằng các em sẽ học thuộc rồi ghi nhớ được. Khi biết cần làm gì trong tình thế nguy hiểm, trẻ em có thể tự trấn an mình, từ đó giúp hạn chế các hậu quả đáng tiếc xảy ra.